Hỗ trợ trực tuyến
Liên kết website

Điện mùa khô

Chia sẻ :

Điện mùa khô: Nhiều giải pháp ứng phó với các tình huống bất thường

Hệ thống điện quốc gia đang bước vào giai đoạn vận hành khó khăn của các tháng cao điểm mùa khô (thường kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 6). Dự báo phụ tải hệ thống điện quốc gia trong quý 2 này vào khoảng 52,2 tỷ kWh, với mức tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN trả lời phỏng vấn

PV: Xin ông cho biết thời tiết năm nay có những diễn biến bất thường gì ảnh hưởng đến việc cung cấp điện của EVN trong mùa khô này?

Ông Ngô Sơn Hải: Có thể nói, từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết khí hậu có những yếu tố khá thuận lợi cho việc đảm bảo cung cấp điện. Cụ thể như nền nhiệt độ trên phạm vi cả nước duy trì ở mức thấp so trung bình nhiều năm (TBNN) nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng chưa cao. Trong khi đó, tình hình nước về các hồ chứa thuỷ điện cũng khá hơn so với TBNN...

Tuy nhiên, nhận định mới nhất của đa số các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trên thế giới đều cho rằng, hiện tượng ENSO có xu hướng chuyển sang trạng thái El Nino từ nửa cuối năm 2017. Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện El Nino chỉ sau một thời gian tương đối ngắn.

Theo tôi, một số nhận định về xu thế thời tiết trong thời gian tới sẽ có ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện.

Đó là, nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến 7/2017 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến tăng trưởng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, tình hình thủy văn của các hồ chứa thủy điện khá khó khăn, do ở khu vực Bắc Bộ mùa mưa có thể đến muộn và ngắn hơn so với TBNN. Dự kiến lượng mưa phổ biến thấp hơn TBNN từ 10-30%.

Đối với khu vực Trung Bộ, lượng mưa ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ phổ biến thấp hơn TBNN từ 10-20%, khu vực Nam Trung Bộ xấp xỉ TBNN. Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, mùa mưa có khả năng sẽ đến sớm và kết thúc sớm.

Đặc biệt là khu vực Bắc Bộ, nơi tập trung nhiều nhà máy thủy điện lớn như bậc thang sông Đà với tổng công suất đặt xấp xỉ 6.500 MW, chiếm 16% tổng công suất đặt trên toàn hệ thống. Tôi cho rằng, nếu diễn biến thủy văn không thuận lợi sẽ ảnh hưởng khá lớn tới việc đảm bảo cung cấp điện của EVN.

PV: Hiện đang vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, EVN đã triển khai kế hoạch, giải pháp cung cấp điện như thế nào và việc vận hành hệ thống điện quốc gia trong thời kỳ này ra sao, thưa ông ?

Ông Ngô Sơn Hải: Để thực hiện Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2017 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thời gian qua, EVN đã và đang thực hiện đồng bộ hàng loạt các giải pháp đảm bảo đủ điện cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm của mùa khô.

Trước tiên, đối với các hồ thủy điện, chúng tôi sử dụng tiết kiệm nước nhằm giữ nước cao nhất có thể, đặc biệt là các hồ ở khu vực miền Trung và miền Nam đến hết ngày 31/3, nhằm có đủ nước đáp ứng các nhu cầu của hệ thống điện cũng như nhu cầu sử dụng nước ở phía hạ du trong những tháng cao điểm nắng nóng sắp tới.

Bên cạnh đó, chúng tôi bố trí và tập trung các công việc sửa chữa nguồn điện, lưới điện ngay từ cuối năm 2016 và trong quý I vừa qua để đảm bảo từ quý II này hệ thống điện có độ sẵn sàng cao nhất.

Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà máy trực thuộc chuẩn bị đầy đủ nguồn nhiên liệu để đáp ứng các yêu cầu huy động cao, kể cả các nguồn điện chạy dầu đắt tiền. Đồng thời xây dựng phương án vận hành hệ thống điện quốc gia trong tình huống cực đoan nhất (nắng nóng kéo dài và diễn ra đồng thời trên cả 3 miền) để sẵn sàng các biện pháp ứng phó.

Ngoài ra, EVN cũng phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có giải pháp cung cấp đủ nhiên liệu cũng như đảm bảo vận hành ổn định các nhà máy của các Tập đoàn này .

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ cuối năm 2016, cũng như việc chỉ đạo điều hành sát sao trong những tháng đầu năm 2017, đến nay hệ thống điện đang được vận hành tốt và ở trạng thái có dự phòng.

Tuy vậy, với hình thái thời tiết khó dự báo như hiện nay, trong thời gian tới có thể xảy ra hiện tượng nắng nóng bất thường, diễn biến thủy văn khắc nghiệt…

Do đó, để chuẩn bị và có giải pháp ứng phó tốt nhất trong các tình huống bất thường thì EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) đã xây dựng kịch bản và phương án vận hành trong ngày cực đoan với dự kiến nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp, phụ tải tăng trưởng cao, các hồ thủy điện đã về mức nước thấp, thủy văn không thuận lợi….

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình đến tháng 5 này, xu hướng truyền tải vẫn chủ yếu theo hướng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam với sản lượng điện truyền tải rất cao. Điều này theo ông có khác so với cùng kỳ các năm trước và ảnh hưởng gì đến độ an toàn của hệ thống điện quốc gia trong cao điểm mùa khô năm nay ?

Ông Ngô Sơn Hải: Thực tế là do đặc điểm phát triển nguồn điện phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện địa lý, nguồn năng lượng sơ cấp nên các nguồn điện phân bố không đều trên phạm vi cả nước. Cùng với đó là nhu cầu sử dụng điện giữa các vùng miền cũng có sự khác nhau nên những năm qua hệ thống điện miền Trung, miền Nam thường xuyên phải nhận lượng công suất khá lớn truyền tải từ miền Bắc vào.

Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết thuận lợi ở khu vực miền Trung và Nam Bộ như phụ tải tăng trưởng không cao, trong khi tình hình thủy văn thuận lợi nên từ đầu năm đến nay lượng công suất truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, tổng sản lượng điện truyền tải trên giao diện Bắc - Trung khoảng 2,2 tỷ kWh, chỉ bằng 52% so với cùng kỳ. Đây cũng là một yếu tố thuận lợi trong đảm bảo điện cho miền Nam và xu hướng truyền tải giảm sẽ giảm bớt nguy cơ mất an toàn trong vận hành hệ thống điện quốc gia.

PV: Vậy theo ông, mục tiêu đảm bảo điện cho miền Nam trong năm nay đã được EVN triển khai như thế nào ?

Ông Ngô Sơn Hải: Mặc dù năm nay có thuận lợi hơn so với mọi năm nhưng vấn đề đảm bảo điện cho miền Nam vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVN.

Chính vì vậy thời gian qua EVN/A0 đã và đang thực hiện một số giải pháp như: Chỉ đạo quyết liệt và tạo mọi điều kiện để đưa các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 (với tổng công suất 1.245 MW) vào vận hành đúng tiến độ. Qua 4 tháng đầu năm, Nhà máy này đã sản xuất được khoảng 1,35 tỷ kWh.

Bên cạnh đó, đảm bảo khả năng truyền tải của các đường dây 500 kV, đặc biệt cung đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Vũng Áng - Đà Nẵng để truyền tải điện năng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Thực tế đến hiện nay, việc cung cấp điện cho miền Nam đã được đảm bảo và miền Nam đã bắt đầu chuyển sang mùa mưa.

PV: Cao điểm mùa khô năm nay, EVN có phải huy động nguồn chạy dầu có giá thành cao để đảm bảo cung cấp điện hay không? Nếu có thì phương án này sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông? 

Ông Ngô Sơn Hải: Theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện Quốc gia năm 2017 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4711/QĐ-BCT ngày 02/12/2016, dự kiến trong mùa khô năm nay, EVN sẽ phải huy động khoảng 1,84 tỷ kWh từ các nguồn chạy dầu có giá thành cao.

Trên thực tế, nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi nên đến thời điểm này hầu như chúng tôi chưa phải huy động nguồn điện chạy dầu. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho thời gian cao điểm nắng nóng sắp tới, EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ nguồn nhiên liệu dầu, đảm bảo mức độ sẵn sàng của các tổ máy để đáp ứng theo nhu cầu của phụ tải.

PV: Xin cảm ơn ông!

---------------------------------------------

Tin tức cùng chuyên mục :

Tin tức khác :