Hỗ trợ trực tuyến
Liên kết website

Ngành điện: Hành trình xây dựng ‘bệ phóng’ cho công nghiệp hóa

Chia sẻ :

Nhìn lại cả chặng đường hơn 61 năm kể từ ngày ngành điện Việt Nam chính thức tiếp quản hệ thống điện cho đến hôm nay mới thấy sự phát triển vượt bậc của một ngành công nghiệp 'xương sống', làm bệ phóng cho tất cả các hoạt động kinh tế xã hội của đất nước, tiến lên công nghiệp hóa.
 

Công nhân Công ty Điện lực Quảng Ngãi kéo điện về từng hộ dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Những thành quả vượt bậc
 
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, khi tiếp quản từ người Pháp, công suất của hệ thống điện khoảng 100MW, sản lượng điện năng khoảng 53 triệu kWh/năm. Sau năm 1954 đến 1975, mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt nhưng những công nhân ngành điện vừa chiến đấu vừa xây dựng, phát triển hệ thống điện với nhiều nhà máy nhiệt điện ra đời. Năm 1962, ở miền Bắc mới bắt đầu xây dựng một số tuyến đường dây 110kV để truyền tải điện từ 9/12 nhà máy điện đến các trung tâm phụ tải.
 
Ở phía Nam, năm 1961, Nhà máy thủy điện Đa Nhim và tuyến đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn dài 257km được khởi công và hoàn thành đưa vào vận hành năm 1964. Đây chính là tuyến đường dây truyền tải cấp điện áp 220kV đầu tiên của Việt Nam.
 
Vào năm 1996, quan điểm xây dựng và đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp mới được đề cập trong văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng. Khi đó, hệ thống điện của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Tổng công suất nguồn điện năm 1995 mới đạt 4.500MW và 14,6 tỷ kWh/năm. Ngoài vài chục nghìn km đường dây, trạm biến áp các loại từ 0,4-220kV, cả nước mới có một mạch đường dây siêu cao áp 500kV Bắc Nam. Vì thế đã xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên, nhất là khu vực miền Trung và miền Nam. Thế nhưng, chỉ sau 20 năm nỗ lực, cho đến nay, hệ thống điện Việt Nam đã đứng ở vị trí thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia), đứng thứ 30 thế giới với tổng công suất các nguồn điện trên 38.800MW, tăng gần 8,5 lần, điện năng sản xuất năm 2015 tăng trên 11 lần so với năm 1995. Hệ thống lưới truyền tải 220-500kV đạt gần 20.000km và hàng trăm nghìn km, trạm biến áp phân phối từ 110kV trở xuống.
 
Đặc biệt hơn, hệ thống điện đã vươn tới mọi vùng miền của đất nước, kể cả miền núi, biên giới, hải đảo. Số xã có điện trên cả nước đạt 99,8% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76%. Nhìn chung, hệ thống điện đã đáp ứng nhu cầu của các địa phương, thành phố lớn, các tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, các tổ hợp công nghiệp FDI có quy mô lớn và cấp bách, phục vụ phát triển nông nghiệp như nuôi tôm công nghiệp, trồng thanh long, hệ thống bơm tưới tại các tỉnh khu vực miền Nam.
 
Không những thế, ngành điện cũng đã có một bước chuyển khá lớn từ độc quyền ‘bao cấp’ sang một ngành kinh tế dịch vụ trong cơ chế thị trường cạnh tranh với các dịch vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
 
Giữ vai trò bệ phóng
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo những tài liệu đã được công bố, năm 1996, Việt Nam đề ra chỉ tiêu GDP đến năm 2020 tăng từ 8-10 lần so với năm 1990 (năm 1990, GDP Việt Nam chỉ đạt gần 6,5 tỷ USD). Thế nhưng năm 2007, chúng ta đã cán mốc trên khi đạt 71 tỷ USD GDP, năm 2014 đạt mức 184 tỷ USD, nghĩa là gấp tới hơn 28 lần. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 1995 đạt 13,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 5,5 tỷ USD nhưng đến năm 2015 con số này là 312,87 tỷ USD với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 162,4 tỷ USD. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, năm 1995, cả nước chỉ có khoảng vài trăm dự án với vốn đăng ký khiêm tốn, thì đến năm 2015 đã đạt khoảng 20.000 dự án và 280 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục... và ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới.  
 
Nêu lên vài con số như vậy để thấy rằng, cùng với các ngành hạ tầng khác, điện đã có đóng góp quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thay đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang hướng công nghiệp hiện đại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế - xã hội. 
 
Theo đánh giá của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ngành điện Việt Nam đã có một sự phát triển vượt bậc cả về nguồn, chất lượng cung ứng và dịch vụ khách hàng. Ông Lê Minh Hải - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thép Việt Đức (Vĩnh Phúc) cho biết, là một doanh nghiệp chuyên sản xuất ống thép, thép xây dựng với công suất hàng năm hơn 700 ngàn tấn, nộp ngân sách cho tỉnh hơn 300 tỷ đồng/năm, có được kết quả này là nhờ vào nguồn điện chất lượng cao, an toàn và ổn định, vì nếu chỉ cần 1 giây nháy điện thì sẽ thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, vào năm 2012, khi công ty mở rộng nhà máy cán thép với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Lãi suất vay vốn khi đó lại rất cao, lên tới 12-13%..., nếu không nhận được sự phối hợp tốt từ phía ngành điện trong việc cấp điện thì thiệt hại là rất lớn vì dây chuyền không thể sản xuất.
 
Còn ông Fukasawa - Tổng giám đốc Công ty Sản xuất phanh Nissin Việt Nam cho hay: "Tôi đến nhận công tác tại Việt Nam cách đây 3 năm. Khi đó, tôi có nghe việc cấp điện ở Việt Nam không tốt, phát sinh mất điện liên tục. Tuy nhiên, khi tôi đến Việt Nam làm việc, tôi thấy hầu như không có sự cố mất điện đột ngột. Việc có được nguồn điện ổn định là yếu tố quan trọng để chúng tôi duy trì sản xuất".
 
Vươn lên những mục tiêu mới
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập đoàn tiếp tục đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện được giao và các dự án lưới điện truyền tải theo đúng tiến độ; quản lý vận hành hệ thống điện cung cấp đủ điện cho đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư, tăng năng suất lao động.... Phấn đấu đưa EVN thành một trong 4 đơn vị điện lực hàng đầu trong cộng đồng các nước ASEAN.
 
Căn cứ định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020,  EVN sẽ đảm bảo cung cấp điện với mức tăng trưởng điện bình quân 10,5-11%/năm. Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tới năm 2020 khoảng 262-270 tỷ kWh; phấn đấu giảm tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối đến năm 2020 xuống 6,5%; nâng cao độ tin cậy cấp điện với thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm (chỉ số SAIDI) giảm xuống 400 phút; cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng (từ năm 2016 thủ tục để cấp điện giảm xuống còn 10 ngày)....
 
Có thể nói, sau hơn 61 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành điện Việt Nam hôm nay có quyền tự hào về những thành quả đã đạt được, để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình và giữ vững vai trò là trụ cột an ninh năng lượng quốc gia vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai không xa.
 
Theo: Kinh tế VN
 
 
 
 
 

---------------------------------------------

Tin tức cùng chuyên mục :

Tin tức khác :